Thursday, February 5, 2009

Nguyễn Gia Kiểng : Đôi lời trò chuyện

Nguyễn Gia Kiểng (Bài viết trên X-cafevn)

Thân chào tất cả. Tôi vẫn theo dõi thường xuyên diễn đàn X-Café này. Sở dĩ đến nay mới góp ý là vì hai lý do : một là, những ý kiến phát biểu đều rất đặc sắc khiến tôi thấy đây là cơ hội để lắng nghe hơn là để nói; hai là, hầu hết những gì tôi muốn nói hai chí hữu Nguyễn Gia Dương và Hoàng An Việt đã nói rồi, họ diễn đạt theo cách riêng của mỗi người nhưng không khác ý tôi. Xin cảm ơn các bạn đã tham gia thảo luận, tôi đã học hỏi được nhiều. Xin các bạn coi những góp ý sau đây như là những trao đổi thân mật giữa những người cùng chia sẻ một quan tâm đối với đất nước.

Trước hết là một lời với một người vắng mặt. Bạn Nguyễn Đa Linh cho hay là sẽ không còn vào diễn đàn này nữa. Tuy vậy những điều bạn đã phát biểu cũng cần được thảo luận giữa những người còn lại. Bạn Nguyễn Đa Linh có lần nói rằng bạn sẽ không tham gia các hoạt động chung nữa để dành thời giờ cho những vấn đề tâm linh. Tôi hiểu NĐL là một người còn trẻ (và qua văn phong tôi có cảm tưởng là thuộc phái nữ?). Trong sự quý mến của một người lớn tuổi và có ít nhiều kinh nghiệm tôi mạn phép khuyên bạn không nên chọn con đường tâm linh, nếu hiểu tâm linh là từ dùng để chỉ những vấn đề và niềm tin huyền bí không có cơ sở vững chắc và không tuân theo luận lý. Tôi đã gặp khá nhiều người chọn con đường tâm linh như thế và đã đi tới môt nhận xét khá rõ rệt: dù biện luận thế nào đi nữa thì đó là một sự triệt thoái về chính mình để tránh né, sau khi chán nản vì không giải quyết được một cách vừa ý, những vấn đề phức tạp của thực tại. Thái độ này sẽ chỉ làm ta xa thực tại hơn nữa, cuối cùng hoặc khiến ta tự cắt bỏ với cuộc sống xã hội hoặc khiến ta lạc lõng chỉ nhìn thấy những giải thích huyền bí mà người khác không thể chia sẻ cho những vấn đề thực tiễn, trong khi logic bao giờ cũng phải là nền tảng để hiểu nhau và hành động chung với nhau. Cá nhân tôi nhận thấy là những người chọn con đường tâm linh sau một thời gian đều bỏ cuộc về mặt chính trị. Thật đáng tiếc vì họ đều là người tốt, trong lúc đất nước đang cần một thay đổi chính trị; các hoạt động từ thiện tôn giáo đều chỉ có tác dụng giới hạn của chúng, chúng săn sóc những nạn nhân, nhưng vấn đề cơ bản là giải quyết nguyên nhân đã tạo ra những nạn nhân. Sau cùng thì chúng ta đều sẽ chết cả và mọi vấn đề sẽ đều sẽ không còn đặt ra nữa đối với chúng ta. Vậy cần gì phải vội vã tìm đến với một cái gì đàng nào cũng sẽ đến? Trong cuộc đời ngắn ngủi này tại sao chúng ta không sống một cách thực mạnh liệt? Phấn đấu cũng có niềm vui của nó, và trong tất cả những cái tương đối có niềm vui nào lớn hơn cảm tưởng đã đóng góp cải thiện cuộc sống và phẩm giá của những người mà chúng ta yêu mến? Trong cuộc trò chuyện thân mật này tôi đã xin phát biểu về một chọn lựa thuần túy cá nhân, xin cáo lỗi với các bạn mà những dòng trên đây có thể gây bực bội.

Thái độ bỏ cuộc chính trị này đến từ một nguyên nhân mà nhiều bạn, trong đó có chính bạn Nguyễn Đa Linh, đã đề cập tới: đó là sự thất vọng sau sau nhiều cố gắng đấu tranh cho dân chủ không đem lại kết quả.

Nhưng tại sao các cố gắng đã không đem lại kết quả? Dần dần chúng ta đều phải nhìn nhận một sự thực là không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh, nhưng mặt khác nhiều người lại cho rằng đó là một ước mơ không thể thực hiện. Nhưng có thực là xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh lại là điều không thể làm được không? Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này sau khi đã cố gắng xây dựng tổ chức một cách có phương pháp. Tôi đã là một trong những người đầu tư vào cố gắng này một cách liên tục trước cũng như sau năm 1975 và có thể khẳng định rằng xây dựng tổ chức không phải là ưu tư hàng đầu của đa số những người hoạt động chính trị. Nếu chúng ta ý thức rằng xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh là điều bắt buộc phải làm thì chúng ta sẽ không thể hài lòng những hoạt động kiểu nhân sĩ, những kết hợp tạm bợ đồng sàng dị mộng, những cố gắng chỉ nhằm gây tiếng vang trong khi chưa có có thực lực, chúng ta sẽ thấy những bài nghị luận dù có giá trị đến đâu cũng không đủ. Chúng ta sẽ học hỏi và suy nghĩ về những kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng một tổ chức chính trị, sẽ hiểu những khó khăn của việc xây dựng và phát triển tổ chức, sẽ chấp nhận hy sinh tư kiến và lòng tự ái, sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm… và sẽ thành công. Việc xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh là điều đòi hỏi nhiều trí tuệ, cố gắng và thời gian nhưng không phải là điều không thể làm được. Vấn đề cốt lõi là phải có một tư tưởng chính trị lành mạnh, một dự án chính trị đúng đắn và một đôi ngũ vài trăm người gắn bó đồng ý với nhau về cả mục tiêu lẫn phương pháp, gắn bó với nhau, chấp nhận một lãnh đạo chung, một kỷ luật chung. Sau đó tất cả đều dễ dàng, nhiều người sẽ tin tưởng và sẽ nhập cuộc. Đây là điều có thể thực hiện được ngay cả trong tình trạng hiện nay. Sở dĩ chúng ta chưa làm được là vì chúng ta chưa ý thức được một cách thật sáng tỏ sự cần thiết của một tổ chức dân chủ mạnh. Vẫn còn nhiều người loay hoay tìm cách đánh bại chế độ độc tài mà không cần xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh, không khác gì muốn đá bóng mà không cần sân. Đáng tiếc là họ vẫn ít nhiều được khuyến khích. Đôi khi họ gây được tiếng vang và ảo tưởng nhất thời nhưng nói chung họ đóng góp đánh lạc sự chú ý khỏi một điều bắt buộc phải làm.

Bạn Flippers nhận xét : "các tổ chức đấu tranh cho nền dân chủ nước nhà thì hơi bị nhiều, nhưng những người nòng cốt tinh nhuệ và gắn bó của các tổ chức đó thì có lẽ hơi bị ít! ".

Khá chính xác. Phân tích tình trạng đáng buồn này có lẽ cần một cuốn sách dầy, nhưng nếu phải tóm lược thì ngoài sự thiếu ý thức rằng một tổ chức dân chủ mạnh là điều ta không thể tiết kiệm, bắt buộc phải có, dù khó đến đâu cũng phải xây dựng cho bằng được, những nguyên nhân chính là:

- Thực ra chúng ta không có nhiều người tinh nhuệ về đấu tranh chính trị. Bản lĩnh chính trị chỉ có thể đào tạo trong sinh hoạt tổ chức trong khi chúng ta ít có sinh hoạt tổ chức.

- Người Việt thường hay có thói quen đến với nhau bằng căn cước không thực. Chúng ta muốn được đánh giá cao hơn con người thực của chúng ta. Nhưng trong sinh hoạt tổ chức con người thực dần dần xuất hiện. Đến một lúc nào đó chúng ta không còn đóng kịch được nữa và ra đi.

- Do di sản văn hóa và lịch sử chúng ta có một nhận thức sai về sự cao cả, cho rằng phải có vai trò lãnh đạo mới hay, từ đó sinh ra sự tranh giành địa vị làm tê liệt tổ chức. Chúng ta không ý thức được rằng người ta có thể cao cả hay thấp kém trong mọi vai trò.

- Chúng ta không dứt khoát với chính mình khi gia nhập một tổ chức, không trả lời rõ rệt câu hỏi quan trọng: đến với tổ chức để góp phần xây dựng tổ chức hay để dựa vào tổ chức để thực hiện ước vọng cá nhân? Nếu không trả lời dứt khoát câu hỏi này thì một cách bản năng và vô tình người ta sẽ có thái độ thứ hai.

- Thêm vào đó là người Việt rất kém về truyền thông, người nói không rõ, người nghe hiểu sai, và lủng củng.

Tất cả những nguyên nhân này đều do thiếu văn hóa tổ chức.

Tôi rất thích câu chuyện ngụ ngôn bạn kể. Những người chỉ quan tâm đến những vấn đề của mình thường nghĩ là mình khôn nhưng nhiều khi chính họ cũng là nạn nhân của những tại họa mà họ tưởng chỉ là của người khác. Và trong xã hội đông đảo và phức tạp hiện nay thì đó là một thông lệ chứ không phải một ngoại lệ. Một dân tộc gồm toàn những người khôn kiểu này là một dân tộc rất dại khờ.

Bạn NguoiCongSan có lẽ thích môn biện chứng. Bạn là "người cộng sản" nhưng lại cho biết là chính vì chế độ cộng sản mà không thể xuất hiện với căn cước thực của mình. Như vậy thì trong thâm tâm bạn cũng không thoải mái được làm một "người cộng sản". Tình trạng hơi ngộ nghĩnh này khiến tôi muốn nói với bạn là tôi không hề dị ứng với những người cộng sản, tôi có nhiều người bạn thực sự đang là đảng viên đảng cộng sản và tôi rất quí mến họ. Chính qua quan hệ với họ mà tôi ý thức được rằng trong suy tư cá nhân người Việt Nam khá giống nhau. Chúng ta đang có một di sản lịch sử phải giải quyết và tùy theo cương vị cá nhân mỗi người ứng xử một cách khác nhau mà thôi. Vấn đề của thời đại chúng ta là phải tìm ra một cách ứng xử tập thể trước di sản này.

Trong sự tìm kiếm đó bạn nhận xét: "Trong 1000 năm dựng nước và giữ nước của người Việt thì chính phủ hiện nay (cùng với tất cả những cách hành xử của nó) là 1 chính phủ dân chủ nhất trong lịch sử VN, nó cũng là chính phủ phù hợp nhất với tính cách nô lệ của người Việt, vì vậy mà sự mong muốn thay đổi chế độ hiện thời chính là 1 việc làm vô nghĩa đối với người Việt".

Nhận xét của bạn là một vế trong ba vế của một biện chứng: 1/tiền đề: chúng ta phải thay đổi chế độ này; 2/phản đề: nhưng trong 1000 năm dựng nước và giữ nước… (nhận xét của bạn); 3/ tổng hợp: ???

Tổng hợp này chắc bạn nghĩ phải là: "cuộc đấu tranh để thay đổi chế độ này bằng một chế độ dân chủ vì thế chỉ có ý nghĩa nếu là một cuộc đấu tranh nhân danh tương lai chứ không phải vì một quá khứ nào đó". Nếu như thế thì xin bắt tay bạn, chúng ta hoàn tòan đồng ý.

Giữa những người đồng ý có lẽ chúng ta chỉ cần bàn thêm một chút để làm sáng tỏ hơn ba vế của biện chứng này. Trước hết là tiền đề phải thay đổi chế độ này bằng một chế độ dân chủ. Đó là vì đất nước đang đúng trước những vấn đề lớn khổng thể có giải đáp trong chế độ này ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất là nó có được những cấp lãnh đạo thực sự có khả năng và thiện chí, một điều không có gì bảo đảm. Lấy thí dụ tham nhũng. Không ai phủ nhận rằng tham nhũng đang tàn phá đất nước và Việt Nam chỉ khá được nếu đẩy lùi được tham nhũng, nhưng mọi kinh nghiệm của các dân tộc đều đã chứng tỏ rằng một chế độ tham nhũng không thể tự cải tiến để hết hay bớt tham nhũng, giải pháp duy nhất vẫn chỉ là thay thế một chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác. Đây là một qui luật chưa có ngoại lệ. Những gì vừa xẩy ra, như vụ PMU18, vừa chứng tỏ một lần nữa điều đó. Một thí dụ khác là nguy cơ tụt hậu mà cả đối lập dân chủ lẫn chính quyền cộng sản đều nhìn nhận. Tụt hậu dẫn tới mất nước về lâu về dài. Trong kỷ nguyên tri thức này ý kiến và sáng kiến là những yếu tố quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của mỗi dân tộc, nhưng ý kiến và sáng kiến là những yếu tố chỉ có thể nẩy sinh và phát triển nơi những con người tự do, trong những xã hội dân chủ. Chúng ta còn có nhiều lý do khác, chúng ta có thể kể sự tàn phá của môi trường, sự chênh lệch giầu nghèo thách đố, sư băng hoại của đạo đức trong xã hội, sự xuống cấp của hệ thống giáo dục, y tế v.v. nhưng chỉ hai thí dụ nêu trên cũng đủ để chứng minh phải thay đổi chế độ.

Phản đề mà bạn đưa ra tôi cũng đã có dịp trình bày, nó chỉ chứng minh rằng chế độ cộng sản là một bước tiến khá lớn so với những chế độ mà chúng ta đã có trong quá khứ. Điều này đúng, xã hội truyền thống của ta là một xã hội Khổng Giáo và chủ nghĩa cộng sản là một thứ Khổng Giáo cải tiến. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào hiện tại và tương lai thì lại khác. Vấn đề đặt ra cho chúng ta không phải là tiến bộ so với quá khứ của chính mình mà là tiến nhanh bằng hoặc hơn các dân tộc khác. Thực tế là chúng ta đã tiến rất chậm so với họ. Họ cũng từ nô lệ mà tiến lên như ta nhưng họ đã tiến nhanh hơn chúng ta nhiều. Trước thế chiến II chúng ta ở cùng một mức độ phát triển so với Hàn Quốc và hơn hẳn Thái Lan và Mã Lai, ngày nay họ hơn ta rất xa. Bạn nói đúng, nếu đặt chế độ cộng sản vào quá khứ thì chỗ đứng của nó không dở. Vậy thì chúng ta hãy cố gắng nhanh chóng đưa nó vào quá khứ đi, đừng để nó tồn tại và ngăn cản đà tiến của đất nước về tương lai. Như vậy thì tổng hợp là cuộc vận động dân chủ phải hoàn toàn hướng về tương lai và chỉ nhân danh tương lai. Thay đổi chế độ để tiến lên chinh phục tương lai,thế thôi, chứ không phải để tiêu diệt hay trừng phạt một ai cả. Chính vì quan niệm như vậy mà anh em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã theo đưổi trong 26 năm qua chủ trương đấu tranh thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên bằng phương thức bất bạo động, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Một bạn khác nhận xét hệ thống giá trị của dân tộc Việt kìm hãm sự phát triển và nêu câu hỏi: ngày nay, khi phương tiện đã cho phép mỗi con người có thể tham khảo được rất nhiều nền văn hóa khác nhau, tại sao ta không thể, vì tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta, mà chối bỏ chính mình để chấp nhận một hệ thống giá trị khác (một nền văn hóa khác) hiệu quả hơn cho sự phát triển?

Lời phát biểu này không khiêu khích như người ta có thể nghĩ. Nó đúng nếu ta điều chỉnh lại đôi chút. Một nền văn hóa, hay một hệ thống giá trị, là tổng hợp những kinh nghiệm học hỏi của mỗi dân tộc qua quá trình lịch sử, do đó nó luôn luôn mang đặc tính của một dân tộc. Vì vậy dù muốn ta cũng không thể chấp nhận một nền văn hóa khác. Ngay giữa các nước Châu Âu mà biên giới đã bị xóa bỏ văn hóa Pháp cũng không hoàn toàn giống văn hóa Đức, Hòa Lan, Ý v.v.. Vấn đề chỉ là thay đổi để thích nghi với tình huống mới, văn hóa càng không thích hợp bao nhiêu, như trường hợp của Việt Nam, thì sự thay đổi càng phải nhanh chóng và quả quyết bấy nhiêu. Sự thay đổi này đòi hỏi một cố gắng phủ nhận chính mình liên tục. Sự phủ nhận này không phải là để từ bỏ chính mình –không ai có thể từ bỏ chính mình- mà là điều kiện bắt buộc để để tiếp tục là mình. Một văn hóa chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu không ngừng vượt lên trên chính mình.

Tiếng Việt là một vấn đề khác. Như tôi đã trình bày trong lần trao đổi trước, kinh nghiệm các nước, các thời đều chứng tỏ rằng một dân tộc chỉ có thể tiến lên nếu sử dụng ngôn ngữ của chính mình. Tôi xin nhân cơ hội này nói thêm một điều với các bạn du học nước ngoài: nếu các bạn dự định làm việc tại Việt Nam sau này thì các bạn phải luôn luôn trau dồi tiếng Việt bởi vì mọi kiến thức chỉ có thể thực hành tại một nước nếu được thể hiện phù hợp với văn hóa, nghĩa là bằng ngôn ngữ, của nước đó.

Đối với bạn Dovantri (Đỗ Văn Tri?) thì chỉ giản dị là lời cảm ơn đối với một người tri kỷ. Bạn đã hiểu rất đúng những gì tôi nghĩ. Ước gì được gặp bạn để uống với bạn một ly rượu kết nghĩa! Bạn đừng lo là một ăn năn tập thể như vậy sẽ có nguy cơ khiến chúng ta sa vào tình trạng bầy đàn. Bởi vì một trong những điều mà chúng ta phải ăn năn là đã không suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình. Chúng ta chấp nhận một cách mê cuồng những suy nghĩ của người khác, đã mạt sát và tàn sát nhau vì những ý thức hệ đã bị từ bỏ trên chính quê hương của chúng. Khi mỗi người chúng ta suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình thì không thể có nguy cơ bầy đàn.

Để làm một món quà tặng người tri kỷ tôi xin tiết lộ với bạn một lý do thầm kín của tựa đề cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn". Các bạn thân của tôi có thể làm chứng là điều này tôi chưa hề nói với ai vì nó không quan trọng. Ăn năn là một từ rất đặc biệt, nó không phải là chữ Nho, nó thuần túy Việt Nam và là một trong những từ ngữ Việt Nam hiếm hoi có nghĩa trừu tượng. Nó có nghĩa là hối tiếc. Nhưng nó lại bắt đầu bằng chữ "ăn", một tiếng để chỉ một động tác rất cơ bản. Ngôn ngữ nào hình như cũng đặt nền tảng trên hai động từ Có và Là. Tôi Là ai và tôi Có gì là hai câu hỏi mọi người thuộc mọi dân tôc đặt ra đầu tiên, nhưng ưu tư đầu tiên của người Việt lại là ăn và ngôn ngữ của ta đặt nền tảng trên từ Ăn. Ăn nói, ăn ở với nhau, ăn thua, ăn khách, ăn khớp, ăn chơi, ăn ảnh, ăn hối lộ v.v. Và ăn năn. Năn là một thứ cỏ có rễ hơi ngọt, người đói không còn gì để ăn thì mới phải ăn cỏ và tiếc vì đã dại dột để mất hết. Như vậy chỉ có kẻ sa cơ lỡ vận đến nỗi phải ăn cỏ năn mới… ăn năn. Còn những kẻ thắng, hãnh tiến, giầu có, quyền lực, nghĩa là những người còn khả năng hành động và tác động lên xã hội thì không cần ăn năn? Có lẽ vì thế mà chúng ta không khá được. Điều mà chúng ta cần để nghĩ lại và làm lại đất nước là mọi người phải ăn năn, là cả đất nước phải ăn năn, là tổ quốc ăn năn. Tôi không quan niệm tổ quốc là thiêng liêng, là một bàn thờ, một thần linh không bao giờ có thể bị bắt lỗi. Tổ quốc đối với tôi là đồng bào nói chung, là cha mẹ, anh em, bạn bè, là đứa con ông bà bên nhà. Tổ quốc ấy có thể sai lầm và cũng có thể ăn năn để tiến lên. Nếu có địa chỉ tôi sẽ gửi tặng bạn một cuốn Tổ Quốc Ăn Năn. Diễn đàn X-café có thể chuyển thư bạn cho tôi.

Đôi lời trò chuyện. Một lần nữa xin cảm tạ các bạn đã theo dõi và đóng góp cho cuộc thảo luận này.

Nguyễn Gia Kiểng.

Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/1406

1 comment:

  1. Harrah's Las Vegas Casino & Hotel - JT Hub
    The property includes a casino with a restaurant. With two restaurants, 경기도 출장마사지 a coffee 밀양 출장샵 shop and 순천 출장샵 an outdoor 대전광역 출장마사지 swimming pool, the resort 군산 출장마사지 will offer guests a full-service spa,

    ReplyDelete